PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC XUẤT NHẬP KHẨU TỚI THĂM QUAN TRUNG TÂM HATECO LOGICSTIC

Ngày 11/5/2019, Nhằm cung cấp thông tin cho các nhà báo về thực trạng dịch vụ logistics tại Việt Nam, đặc biệt là những cải thiện trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn khảo sát các trung tâm logistics tại Hà Nội. Hateco Logistics- KCN Sài Đồng là một trong số những trung tâm Logistics được vinh dự đón đoàn ghé thăm.

Đoàn khảo sát Bộ Công Thương cùng các nhà báo có buổi thăm quan Trung tâm Hateco Logistics 

Trong thời gian qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh và mạnh với tốc độ phát triển lên đến 13 – 15%. Đây là một trong những ngành có tiềm năng rất lớn và có vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ các ngành kinh tế, các ngành sản xuất khác nhau và hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.  

Hateco Logistics đang có những nỗ lực không ngừng để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics Việt Nam. Với những dịch vụ chủ đạo như: thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu, vận tải, kho bãi, phân phối hàng hoá, vận chuyển hàng hoá xuyên biên giới, thông quan hàng chuyển phát nhanh, bưu chính và thương mại điện tử, giao nhận vận tải quốc tế,…Hateco Logistics hiện nay đang được đánh giá là đối tác chiến lược tiềm năng của các công ty: Công ty CP dịch vụ hàng hoá hàng không Việt Nam, Lazada Express, Sàn thương mại điện tử Shopee, Giao hàng nhanh, Ninja Van, Trường Hải Auto, Rượu Thiên Linh, Tổng công ty bưu điện Việt Nam,…

Ông Đinh Duy Linh – Tổng Giám đốc Hateco Logistics chia sẻ với báo chí 

Ông Đinh Duy Linh – Tổng Giám Hateco Logistics bày tỏ, Trung tâm Hateco Logistics có diện tích gần 13 ha và chúng tôi đang tập trung làm trung tâm logistics theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 nhằm giảm chi phí cho logistics. Mục tiêu chúng tôi đặt ra là trung tâm logistics tích hợp, đặc biệt là trong ngành thương mại điện tử và chuyển phát nhanh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp có hàng hóa thông quan xuất nhập khẩu, có thể đưa hàng đến trung tâm thực hiện các dịch vụ hải quan tại đây.

Như vậy, logistics đóng góp quan trọng vào quá trình phân phối hàng hoá từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng và là cầu nối thương mại toàn cầu. Hoạt động logistics ngày nay không chỉ gắn liền với hoạt động kho vận, giao nhận vận tải, mà còn lên kế hoạch, sắp xếp dòng chảy nguyên, vật liệu từ nhà cung ứng đến nhà sản xuất, sau đó luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, tạo nên sự liên thông trong toàn xã hội theo những phương án tối ưu hóa, giảm chi phí luân chuyển và lưu kho.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam cho rằng, ngành dịch vụ logistics trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương, nên ngành logistics có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua. Theo báo cáo điều tra về chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng thế giới (WB) công bố, Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước điều tra, tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016. Hiện chúng ta đang phấn đấu tiếp tục tăng lên 5 – 10 bậc, tức là ở thứ hạng 30, ngang bằng với các nước phát triển.

Từ góc độ của Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, nếu cách đây, 3, 4 năm chúng ta còn ít nghe tới câu chuyện logistics nhưng hiện nay, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm đến vấn đề này và đã thể hiện thành các văn bản pháp luật như Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, trong thời gian vừa qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh và mạnh với tốc độ phát triển lên đến 13 – 15% và là một trong những ngành có tiềm năng rất lớn đối với nền kinh tế.