Nhận định về triển vọng ngành Cảng biển và Logistics năm 2021, SSI ước tính doanh thu ngành này sẽ phục hồi với mức tăng trưởng là 10%. Tuy nhiên, lợi nhuận có thể sẽ chỉ tăng ở mức một con số.
Nhận định về hoạt động kinh doanh ngành Cảng biển và Logistics năm 2020, SSI cho rằng: Dù kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm nay nhưng ngành này vẫn có những dấu hiệu tích cực. Phần lớn là nhờ kỳ vọng vào tăng trưởng thương mại của Việt Nam.
Ngành Cảng biển và Logistics chịu tác động tích cực từ các hiệp định FTA mới ký kết như EVFTA và RCEP; cùng với kỳ vọng tăng trưởng dòng vốn FDI nhờ làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Theo đó, việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu gây rối loạn vận chuyển container. Trong khi nhu cầu về tàu chở dầu và tàu chở hàng rời bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, nhu cầu về tàu container bất ngờ tăng mạnh.
Kể từ quý 3, nhu cầu phục hồi mạnh do mùa cao điểm trước kỳ nghỉ lễ và nhu cầu bị dồn nén sau giai đoạn giãn cách xã hội. Các hãng tàu đã hoạt động hết công suất trở lại nhưng tàu được điều hướng đến các khu vực có nhu cầu cao như Trung Quốc. Điều này gây ra tình trạng khan hiếm container rỗng ở nhiều khu vực, trong đó có Việt Nam. Trong giai đoạn này, tổng sản lượng phục hồi và giá cước vận chuyển tăng gấp ba lần trước COVID-19 phản ánh tình trạng khan hiếm container.
Ngành Cảng biển và Logistics đứng trước triển vọng tăng trưởng 10% năm 2021.
Thương mại Việt Nam tăng trưởng tốt bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo Vinamarine, trong năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa quốc tế qua các cảng biển Việt Nam tăng 9,8%, trong đó sản lượng container quốc tế tăng 9% lên 14,4 triệu TEU, nhờ giá trị thương mại tăng 5%. Do ít chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 hơn nhiều nước xuất khẩu khác, Việt Nam được hưởng lợi từ chuỗi sản xuất khỏe mạnh. Sản lượng container nội địa thậm chí tăng 20,6% so với năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng có sự phân hóa trong ngành.
Trong bối cảnh các liên minh hãng tàu tăng cường hợp tác để giảm các chi phí biến đổi, cảng nước sâu ngày càng được ưa chuộng cùng với xu hướng tăng kích thước tàu container.
Cạnh tranh cao tạo áp lực lên lợi nhuận ngành cảng biển. Tình trạng cung vượt cầu vẫn là một vấn đề tại Hải Phòng khi thêm cảng MIPEC (300.000 TEU/năm) đi vào hoạt động và tổng sản lượng gần như không đổi trong năm nay. Hơn nữa, HICT – cảng biển nước sâu duy nhất trong khu vực, đã nhanh chóng tăng công suất với tăng trưởng sản lượng ước tính là 70% trong năm 2020.
Trong khi đó, sản lượng các cảng khác trong khu vực giảm 5% so với cùng kỳ. Hầu hết các cảng ở Hải Phòng đều giảm sản lượng ngoại trừ cảng HICT và cảng Hải An. Mặt khác, giá dịch vụ gần như không đổi. Doanh thu và lợi nhuận cốt lõi của các cảng niêm yết lần lượt giảm 8% và 10% trong 9 tháng năm 2020. Các công ty logistics đạt kết quả tốt hơn, đáng chú ý là TMS với tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 29% và 39% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập toàn ngành 9 tháng năm 2020 vẫn giảm 8%.
Đánh giá về năm năm 2021, SSI cho rằng, triển vọng ngành này là tích cực nhờ phục hồi toàn cầu. Các biện pháp giãn cách xã hội đã giảm bớt và vắc xin trở nên phổ biến nên có thể giai đoạn bình thường hóa và tái thiết lập hàng tồn kho sẽ dần diễn ra vào nửa cuối năm 2021.
SSI cũng cho rằng xuất khẩu của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ tiêu dùng toàn cầu phục hồi. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể không mạnh vì các nước xuất khẩu khác cũng sẽ tái khởi động hoạt động sản xuất. Giá trị XNK của Việt Nam và tổng sản lượng hàng hóa quốc tế qua cảng biển sẽ tăng 10% vào năm 2021.
Nhu cầu cao đối với các cơ sở logistics từ các dự án sản xuất mới. Cầu cung tăng vọt đã thúc đẩy lĩnh vực logistics thành lập các cơ sở mới. Theo CBRE, diện tích kho ở miền Bắc tăng 25% và ở miền Nam tăng 28% trong năm 2020, với giá thuê tăng từ 5% – 10% so với cùng kỳ. Ngành này còn khá phân mảnh và cạnh tranh cao.
SSI cho rằng xu hướng tăng kích thước tàu sẽ tiếp tục là điều kiện thuận lợi cho các cảng biển nước sâu. Việc mở rộng cảng tại hai khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải và Lạch Huyện sẽ thu hút tàu mẹ cập cảng Việt Nam thay vì các cảng trung chuyển tập trung trong khu vực như Singapore và Hong Kong. Do đó, tăng trưởng sản lượng sẽ duy trì ở mức cao 20% tại hai khu vực này.
Gemalink sẽ là cảng mới nhất tại Cái Mép đi vào hoạt động trong năm 2021, đóng góp 1,5 triệu TEU vào tổng nguồn cung trong giai đoạn I, tương đương 22% nguồn cung khu vực. Cạnh tranh sẽ ngày càng tăng, nhưng sẽ không gây quá nhiều áp lực lên các cảng nhờ nhu cầu tốt.
SSI dự báo lợi nhuận ngành Cảng biển & Logistics sẽ phục hồi từ mức thấp của năm 2020, với ước tính tăng trưởng doanh thu là 10%. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận có thể chỉ ở mức một con số. GMD – công ty lớn nhất trong ngành, có thể không tăng trưởng hoặc giảm nhẹ trong năm đầu tiên cảng Gemalink đi vào hoạt động.