Điểm sáng logistics 2021

Do triển vọng thương mại toàn cầu không chắc chắn, bởi đại dịch COVID-19 đến nay vẫn chưa được khống chế, nhiều chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế trở nên rủi ro, dễ bị gián đoạn hơn trước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chính sách về hạ tầng logistics được coi là một mắt xích quan trọng để tạo ra sự đột phá cho lĩnh vực logistics nói riêng và môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam nói chung.

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế, chúng ta chứng kiến sự khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu, ngành logistics cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Tuy nhiên, trong bức tranh đầy ảm đạm đó, hoạt động ngoại thương của Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng kể. Xuất nhập khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021. Để đạt được những thành tựu đó, Chính phủ cũng như các bộ, ban ngành đã vào cuộc kịp thời.

 

Kinh tế Việt Nam được giới chuyên gia dự báo sẽ có khả năng tăng trưởng mạnh vào năm 2021 nhờ các tiềm lực hiện hữu cùng tác động từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ngày 01/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, trong đó có các chính sách về hạ tầng logistics như sau: Đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, sớm quyết định đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và tổ chức thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Làm tốt công tác quản lý, sửa chữa, duy tu, bảo trì thường xuyên hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt; Phát huy vai trò đô thị lớn, tháo gỡ những điểm nghẽn, thu hút các nguồn lực cho phát triển đô thị hiện đại, gắn kết với phát triển khu vực nông thôn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện thực tế của vùng và của mỗi đô thị; Đổi mới và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến đến làm chủ công nghệ nền tảng tạo đột phá chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Vào những tháng cuối năm 2020, hoạt động logistics và xuất nhập khẩu lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu container rỗng, cước phí và phụ phí tăng cao trên toàn cầu, đặc biệt là tuyến Á – Âu, tuyến xuyên Thái Bình Dương. Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ/ngành khác và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) thảo luận các phương án để cân đối hài hòa lợi ích giữa các chủ tàu và chủ hàng, đảm bảo sự phát triển bền vững hơn cho thị trường logistics.

Chính sách về hạ tầng logistics được coi là một mắt xích quan trọng để tạo ra sự đột phá cho lĩnh vực logistics nói riêng và môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam nói chung

Trong bức tranh xuất khẩu của năm 2020, nhiều ngành hàng đã vượt khó thành công. Đơn cử như với gạo đã thắng đậm trong năm 2020 khi nông dân trúng mùa lớn, trong khi xuất khẩu gạo liên tiếp vượt Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Hoặc, sau hơn 3 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến, chẳng hạn như giày dép. Đây là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu,… Hiện nay, với hơn 1.700 nghiệp, năng lực cung ứng của Việt Nam được đánh giá là lớn, lên đến hơn 1,1 tỷ đôi giày và gần 400 triệu ba lô, túi xách mỗi năm. Với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 50%, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được nhận định sẽ tiếp tục là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong năm 2021. Theo ước tính của Bộ Công Thương, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi bứt phá mạnh trong quý IV/2020, kinh tế Việt Nam được giới chuyên gia dự báo sẽ có khả năng tăng trưởng mạnh vào năm 2021 nhờ các tiềm lực hiện hữu cùng tác động từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo đánh giá của Ngân hàng UOB Việt Nam, trong cả năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91%, cao hơn mức dự đoán của UOB là 2,7%. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam là 6,8% trong năm 2021. Đây là bức tranh nhiều gam màu sáng so với nhiều nước láng giềng. Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết GDP của Singapore giảm khoảng 6,0% – 6,5% vào năm 2020 và sau đó sẽ tăng khoảng 4,0% – 6,0% vào năm 2021. Cũng theo báo cáo kinh tế Malaysia của WB công bố trong tháng 12/2020, GDP của nước này dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% vào năm 2021 sau khi giảm 5,8% vào năm 2020 do đại dịch COVID-19; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Thái Lan năm nay sẽ suy giảm 7,8% – đảo ngược so với mức tăng 2,4% của năm 2019. ADB chi nhánh tại Indonesia cho biết, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm 2020 và 2021 lần lượt xuống -2,2% và 4,5%, thay vì mức dự báo đưa ra trước đó là – 1% và 5,3%.

Trong năm 2020, nền kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động, trong bối cảnh đó, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã kịp thời ban hành nhiều chính sách liên quan đến logistics, để một mặt vẫn đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ; mặt khác định hình các hướng đi mới, thậm chí mang tính bứt phá cho ngành logistics Việt Nam, góp phần cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đến nay, hệ thống chính sách pháp luật về logistics ngày càng được hoàn thiện; kết cấu hạ tầng logistics trong những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đầu tư vào khai thác, sử dụng, phát huy tốt hiệu quả.

Tin rằng, với sự quyết liệt của Chính phủ cũng như các bộ, ban ngành đối với ngành logistics sẽ là những chính sách dự kiến sẽ là cứu cánh của ngành logistics trước những tác động đa diện của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam và trên toàn cầu, là tiền đề để ngành logistics Việt Nam bứt phá năm 2021.

Theo (VLR)